Hạnh phúc từ tâm, từ cảm nhận của chính mình
Trong ngôi nhà còn giữ nguyên những kỷ niệm xưa của cha mẹ, anh thổ lộ về những gì ẩn giấu bên trong mình với vẻ thành thực. Nụ cười lúc nào cũng phảng phất trong đôi mắt, anh bộc lộ những suy nghĩ thấu đáo không chỉ với kiến trúc mà cả những gì rất đỗi con người.
KTS. Ngô Viết Nam Sơn tại Diễn đàn KTS Châu Á lần thứ 32 tại Đà Nẵng
Thật lạ lùng khi bước vào ngôi nhà của anh, cảm giác như được thở trong không gian trong lành của những gia đình gia giáo từ nhiều thập kỷ trước…
hiều bạn bè nói với tôi rằng, thật nghịch lý khi một kiến trúc sư đi làm nhà cho mọi người, lại sống trong ngôi nhà xưa cũ của cha mẹ mình, và giữ nguyên không thay đổi một đồ vật nào. Tôi đã từng sống trong rất nhiều ngôi nhà trên thế giới, nhưng với tôi, đây mới thực sự là ngôi nhà của mình. Nó chứa đựng tất cả những kỷ niệm đẹp của gia đình. Thấy ấm áp lắm.
Mấy chị em tôi hầu hết đều sống xa nhà, nên tôi muốn giữ nguyên mọi bài trí trong phòng, những bức tranh của cha, những bức hoạ của mẹ, cả cái cây ngoài vườn… để mỗi khi ai đó về nhà, đều cảm thấy thân thuộc, như thể cha mẹ vẫn còn đó.
Anh đã trải qua một tuổi thơ nghiệt ngã, nghèo khó, vì sao anh lại nhớ về nó nhiều như thế, để tự nhận vào mình trách nhiệm với quê hương, dù môi trường làm việc ở Việt Nam khó khăn hơn nhiều so với những nơi anh đã sống?
Tôi may mắn được trải qua thời thơ ấu trong một gia đình hạnh phúc, một mẫu gia đình cổ điển ở Việt Nam: cha lo chuyện nước, chuyện dân, mẹ lo chuyện nhà. Chuyện nhà của mẹ không chỉ là chuyện bếp núc, mà là chuyện gánh vác thu xếp ổn thoả mọi điều, từ chuyện học cho tám đứa con, tiền ăn, rồi tiền mua căn nhà này nữa. Nếu không có mẹ, chưa chắc gia đình tôi đã có căn nhà này. Chị em tôi cứ nhìn vào cha mẹ, ông bà mà lớn lên, cố gắng sống sao cho phải đạo. Nhờ ân đức của ông, của cha, mà sau này tôi lang bạt khắp thế giới, đi đến đâu cũng nhận được sự giúp đỡ ân cần. Chính cha đã truyền dạy một cách tự nhiên cho tôi về lòng tin, trách nhiệm, bổn phận với đất nước.
Anh học được từ cha, KTS Ngô Viết Thụ, phẩm chất nào mà theo anh là đáng quý nhất?
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn có hơn 20 năm trong ngành kiến trúc và quy hoạch, từng thành công với nhiều dự án lớn ở Mỹ như đại học Washington tại Seattle và đại học California tại San Francisco; dự án quy hoạch khu nhà ở thương mại cao cấp Lachine ở Montreal (Canada); quy hoạch xây dựng Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải – Trung Quốc); quy hoạch đô thị mới Filinvest (Philippines); Almaden Plaza, San Jose (Mỹ)...; thành viên nhóm thiết kế khu đô thị Nam Sài Gòn, quy hoạch khu đô thị Hà Nội Mới, quy hoạch lại Đà Nẵng, Phú Quốc…
|
Cha tôi là người khí tiết, không chỉ trong lời nói, mà cả hành động. Khi cha tôi từ nước ngoài về, ông bộ trưởng Xây dựng tiến cử ông với tổng thống Diệm. Sau này ông Diệm muốn đưa cha tôi vào chức vụ đó, nhưng cha tôi từ chối, vì cho rằng như vậy là phụ lòng người đã tiến cử mình. Lúc đó, làm bộ trưởng Xây dựng vừa giàu sang, uy quyền lắm, phụ trách luôn cả xổ số kiến thiết.
Khi đất nước giải phóng, trong chuyến công du cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua Pháp và Algeria, cha tôi bị đau thận, được ở lại chữa bệnh. Cũng có rất nhiều lời mời ông ở lại, và hứa bảo lãnh cả gia đình tôi sang nước ngoài luôn, nhưng cha tôi kiên quyết trở về, vì một lời đã hứa với chú Sáu (Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Ông nói: “Kẻ sĩ đã tin nhau thì không bao giờ được phụ lòng nhau”.
Khi thiết kế dinh Độc Lập, nhiều người hiểu sai, cho rằng cha tôi thiết kế riêng cho ông Ngô Đình Diệm. Thực ra không phải vậy, ông xây dựng chung cho những vị nguyên thủ quốc gia, chính vì vậy mà khu ở của thủ tướng không làm gì hết. Ông quan niệm vị trí thủ tướng chỉ là tạm thời. Về mặt phong thuỷ, đa số công trình của các vị vua ngày xưa đều xây dựng theo triết lý bá đạo, tức là làm sao có lợi nhất cho chủ nhân, mà không tính đến chuyện gây hại cho người khác.
Với dinh Độc Lập, cha tôi theo quan điểm vương đạo, tức là làm sao cho cộng đồng phát triển tốt, khi cộng đồng phát triển tốt, trong đó sẽ có mình. Nhiều người cho rằng trục chính đi thẳng vào dinh là xấu, nhưng cha tôi vẫn làm, và dùng hồ nước để hoá giải. Ông cho rằng làm vua thì phải làm gương, phải đứng ra gánh vác, chiếu không ngay, không ngồi. Tôi tự hào về cha, và ảnh hưởng nhiều về phong cách Á Đông kết hợp với kiến trúc cổ điển Pháp trong các công trình kiến trúc của ông.
Hình ảnh nào từ mẹ mà anh ghi nhớ nhất?
Cái đáng lo hiện nay là chúng ta đang nhìn vào tiền nhiều hơn là nhìn vào chất lượng sống. Nếu không khéo, chúng ta chỉ vươn lên với thế giới bằng vẻ bên ngoài, những đường cao tốc, những siêu thị bảnh bao, sang trọng, mà quên đi không khí trong lành, thức ăn tươi ngon không nhiễm độc, cha mẹ con cái có không gian xanh để sống, vui đùa với nhau…
|
Trước năm 1975, đang sống trong đủ đầy, bỗng chốc mất hết. Cha tôi phải đi học tập, người buôn bán lo cho chúng tôi là mẹ. Mẹ tôi mất năm 1977, suốt ba năm sau đó, cả gia đình tôi sống trong cảm giác mất hết, nhà lúc nào cũng như đang có tang, thiếu sức sống trầm trọng. Mỗi lần giỗ mẹ là cả nhà ngập trong nước mắt.
Mẹ tôi đúng nghĩa là từ mẫu. Bà rất tâm lý với từng đứa con, hàn gắn mọi xích mích của bà con chòm xóm. Mỗi khi bức xúc chuyện gì, cha tôi đều tâm sự nhỏ to với mẹ. Hình ảnh mà tôi nhớ nhất là những đêm cha mẹ hàn huyên với nhau đến hai, ba giờ sáng, cùng chơi đàn, cùng nhảy đầm, rồi mẹ ngồi đan áo chờ cha vẽ xong mới đi ngủ… Có lẽ tình yêu này quá lớn, nên sau khi mẹ mất, cha tôi bị sốc lớn, và ở vậy cho đến khi qua đời.
Bước ngoặt nào quan trọng nhất trong đời đã giúp anh thực sự trưởng thành? Anh từng viết rằng ở tuổi 40, người kiến trúc sư mới đủ độ chín để có thể làm quy hoạch?
Cha tôi không ép các con phải theo nghiệp cha. Nghề kiến trúc không ép được, vì học hành rất vất vả, nếu có ép cũng không thể đi xa. Để đi xa, phải có sự cân bằng. Sự cân bằng chỉ đến với những ai thực sự am hiểu cuộc sống, từ kiến thức tổng quát về nghề, những hiểu biết về môi trường, luật pháp, đầu tư tài chính… đến lịch sử, văn hoá, xã hội. Bước ngoặt quan trọng nhất với tôi là khi mẹ mất.
Năm đó tôi mười bốn tuổi, lần đầu tiên ý thức mình phải tự lập để lo cho bản thân, biết mình thực sự muốn gì, và sẵn sàng trả giá để đạt được điều đó. Từ một cậu con cưng, tôi trở thành một chàng trai mạnh mẽ, đầy cá tính. Bước ngoặt thứ hai là sau khi ra trường, làm việc cho cha bảy năm, tôi quyết định xin ông ra làm công ty riêng. Đối với cha, đó là một quyết định rất bất ngờ, vì ở công ty cha, việc làm không hết. Lần đầu tiên, hai cha con có một cuộc nói chuyện bình đẳng, thấu đáo. Tôi nói với cha là tôi rất yêu kiến trúc, và muốn có một hướng đi riêng, rằng tôi đã suy nghĩ nhiều đêm vì đây không phải là một quyết định dễ dàng.
Bước ngoặt thứ ba là khi công ty đang ăn nên làm ra, tôi quyết định đi du học. Cha tôi lại phản đối kịch liệt, vì ông sợ tôi sẽ đi luôn. Cha tuổi Bính Dần, còn tôi Nhâm Dần, hai con cọp trong nhà nhiều lần tranh cãi nảy lửa, dù luôn theo quan điểm quân–sư–phụ nhưng tôi rất kiên định trong những việc liên quan đến bản thân. Ban đầu cha cho tôi là một đứa con có vẻ nổi loạn, nhưng những năm cuối đời, cha con thân nhau, hiểu nhau. Mỗi lần về thăm cha, tôi thấy ông càng ngày càng mềm lại, trải lòng với con cái hơn, vừa là nghiêm phụ, vừa như từ mẫu.
Từng đảm nhận nhiều công trình nổi tiếng của thế giới, anh học được điều gì lớn nhất từ các kiến trúc sư thế giới mà anh ngưỡng mộ?
Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn:
“Thực tế, vấn đề kiến trúc không nằm trong bản thân kiến trúc, nó được quyết định bởi những nhà kinh tế, bởi quyền lực. Không có kiến trúc mẫu cho một thành phố nào cả, nó là những sáng tác độc bản, xuất phát từ hiện thực cụ thể, trước hết dựa trên mô hình xã hội, nghiên cứu xã hội học về tính cách, con người, đời sống lịch sử và văn hoá vùng miền.
Chính vì thế mà những ý tưởng về bảo tồn và phát triển của anh Ngô Viết Nam Sơn nhiều khi bị biến dạng đi, như việc quy hoạch khu Nam Sài Gòn chẳng hạn. Tôi nghĩ một người tâm huyết với đất nước như anh Sơn, lại được đi nước ngoài học hỏi nhiều, tại sao không tranh cử vào Quốc hội, vào hội đồng nhân dân, để tiếng nói của người làm nghề có trọng lượng hơn?”
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất:
“Từng là người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho Ngô Viết Nam Sơn, tôi thấy anh là một người nhẹ nhàng, dễ thương, khiêm tốn, chịu khó học hỏi. Trong những hoạt động chuyên môn của giới kiến trúc TP.HCM thời gian qua, anh đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, bộc lộ một thái độ ứng xử tốt giữa các vấn đề chung trong phát triển kiến trúc ở các nước với thực trạng trong nước, với một tình cảm chân thành, và nhận được nhiều thiện cảm của đồng nghiệp. Tôi chia sẻ với anh nhiều về triết lý nghề nghiệp, cách ứng xử với kiến trúc”.
|
Ban đầu, tôi cũng lúng túng lắm, không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Việc đầu tiên là tôi tìm đọc tiểu sử của các kiến trúc sư nổi tiếng như Frank Lloyd Wright (Mỹ), Tadao Ando (Nhật), Le Corbusier (Pháp gốc Thuỵ Sĩ)… để xem con đường đi của họ như thế nào. Tôi phát hiện ra một điều thú vị là cả ba đều không có bằng kiến trúc sư, mà chỉ có bằng hành nghề.
Trong quá trình tự học, họ đã đi thăm rất nhiều công trình có giá trị về kiến trúc và nghiên cứu, tự cảm nhận, từ đó tìm ra con đường riêng của mình. Chọn học trường nổi tiếng, tham gia các cuộc hội thảo, gặp gỡ những bậc thầy hàng đầu thế giới về kiến trúc, tôi luôn xung phong đi xa mỗi khi có dịp. Phải đứng giữa không gian đó mới có thể cảm nhận hết những vẻ đẹp mà kiến trúc mang lại cho con người.
Đi nhiều, thấy nhiều, cái hay cái đẹp của thế giới thẩm thấu qua tâm hồn tôi, một tâm hồn Á Đông thuần khiết, để những giải pháp luôn bật ra mỗi lần làm dự án. Từng làm nhiều công trình đô thị cho Trung Quốc, tôi thấy những vấn đề mà Trung Quốc gặp phải cách đây 10 – 20 năm rất giống với Việt Nam hiện nay. Các nhà lãnh đạo nên nghiên cứu những bài học từ Trung Quốc, để rút ra kinh nghiệm cần tránh khi hoạch định tương lai cho quy hoạch đô thị ở Việt Nam.
Anh đã từng từ chối một công trình lớn vì nhà đầu tư không tuân thủ những quy hoạch phục vụ cho chất lượng sống? Có bao giờ anh bị dồn đuổi bởi đồng tiền?
Tôi vừa từ chối một nhà đầu tư lớn khi họ yêu cầu tôi thiết kế sáu cao ốc như bàn cờ. Tôi nói với họ rằng, nếu tất cả biến hết thành diện tích ở, thì cuộc sống của người dân trong này không có gì hết. Nên chăng chỉ xây bốn cao ốc, tôi sẽ kiếm tiền bù lại cho anh bằng cách nâng cao chất lượng sống, để bán giá cao hơn. Nhưng họ nhất quyết không nghe. Thực sự để làm được như vậy, mình phải có cuộc sống ổn định rồi.
Đồng tiền chỉ là phương tiện thôi, đừng để nó dẫn dắt. Có những giá trị không thể đánh đổi. Cái đáng lo hiện nay là chúng ta đang nhìn vào tiền nhiều hơn là nhìn vào chất lượng sống. Nếu không khéo, chúng ta chỉ vươn lên với thế giới bằng vẻ bên ngoài, những đường cao tốc, những siêu thị bảnh bao, sang trọng, mà quên đi không khí trong lành, thức ăn tươi ngon không nhiễm độc, cha mẹ con cái có không gian xanh để sống, vui đùa với nhau…
Đây quả là một áp lực lớn, vì đầu tư văn hoá, công viên, trường học, bệnh viện… tốn kém hơn nhiều so với đầu tư thương mại, nhưng đó mới thực sự là đầu tư khôn ngoan. Phát triển đô thị phải song song với phát triển hạ tầng xã hội. Có người cho rằng Việt Nam phát triển chậm hơn thế giới cả thế kỷ, tôi nghĩ nếu chúng ta chịu rút ra những bài học từ thế giới, tận dụng những thành quả của thế giới, có thể lật ngược tình thế, phát triển vượt bậc, một năm bằng mấy chục năm.
Anh có bao giờ rơi vào tâm trạng bất an, tưởng chừng khó gượng dậy nổi?
Có chứ. Nhưng dần dần tôi học cách gượng dậy, vì tôi có lòng tin với những gì tốt đẹp. Quan trọng nhất là phải đặt lòng tin đúng chỗ. Còn những chuyện không như ý trong quá khứ thì nhiều lắm, nhưng hãy coi nó nhẹ nhàng đi, bởi nếu không có những bất như ý ấy làm sao mình có thành công hôm nay. Cuộc đời công bằng lắm, tôi cũng nghiên cứu tử vi, và thấy nó rất khoa học. Chỉ có bấy nhiêu ngôi sao đó, nếu bạn tốt ở cung này, sẽ phải xấu ở cung khác, hãy biết vui với những gì mình đang có, để được bình an.
Với tôi, sách luôn là người bạn quý giá nhất. Ngày bé, tôi đọc hết các bộ sách của cha như Đông Chu liệt quốc, Tam quốc chí, sách của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, kể cả Kinh Dịch… Văn hoá Á Đông cho mình một sức mạnh tự thân vững vàng, một nền tảng, để làm gì cũng có bản sắc riêng, một ý nghĩa tâm linh thâm sâu. Nếu không, tác phẩm kiến trúc chỉ là một món đồ trang sức vô hồn.
Suy nghĩ về mối quan hệ giữa con người với con người hiện nay, có điều gì làm anh thất vọng?
Xã hội ngày nay đang chạy theo đồng tiền nhiều hơn xưa, nhưng tôi tin đó chỉ là tạm thời. Bản tính con người vốn thiện, con người rồi sẽ tìm lại những giá trị bị bỏ quên.
|
Xã hội ngày nay đang chạy theo đồng tiền nhiều hơn xưa, nhưng tôi tin đó chỉ là tạm thời. Bản tính con người vốn thiện, con người rồi sẽ tìm lại những giá trị bị bỏ quên, giá trị truyền thống. Trong hoàn cảnh nào đó, cần phải hiểu tại sao người ta phải làm như vậy, để hiểu và chia sẻ nhiều hơn, mà có thái độ ứng xử phù hợp, đừng vội lên án. Cuộc sống luôn có sự chuyển động, sàng lọc tự nhiên, để gạn đục, khơi trong. Cần một trái tim đồng cảm mới tiếp cận được những chuyển động của xã hội, để có sự giao tiếp tốt hơn với mọi người.
Ở thời điểm này của cuộc đời, với anh, điều gì là quý giá nhất?
Tôi nhớ mỗi ngày xuân, ba tôi hay chúc bạn bè “thân tâm an lạc”. Sau này tôi cũng chúc bạn bè như thế. Hạnh phúc từ tâm, từ cảm nhận của chính mình với những người xung quanh, để được thân tâm an lạc, đừng tìm kiếm đâu xa.
thực hiện: Kim Yến - minh hoạ: Hoàng Tường
Theo SGT (Lối sống) - Ngày 2-7-2010
Theo SGT (Lối sống) - Ngày 2-7-2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét