Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Hướng về Phú Quốc

Kỳ 1: Không còn là đảo xa

Nếu chỉ kể các đảo lớn, Phú Quốc (PQ) là hòn đảo xa nhất về phía Tây Nam Tổ quốc. Anh em văn nghệ sĩ chúng tôi khao khát đến miền “Đảo Ngọc” ấy nhiều năm rồi mà chưa thực hiện được. Thế mà tình cờ, tôi đã được “gặp” PQ ngay bên bãi biển Thừa Thiên-Huế.
Bảo tàng tư nhân mang tên Cội nguồn ở Phú Quốc.
Bảo tàng tư nhân mang tên Cội nguồn ở Phú Quốc.
Hôm đó, giữa những ngày cả nước hướng về biển đảo, một nhóm nhà báo già ở Huế sinh hoạt trong “Câu lạc bộ nhà báo cao tuổi”, do nhà thơ - nhà báo Vĩnh Nguyên, từng khoác áo Hải quân dẫn đầu, hăng hái tiến ra… bãi biển Tân Mỹ (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền) ngóng ra Hoàng Sa - Trường Sa. Tuy chẳng làm được gì, nhưng ít ra cũng như những người đàn bà làng chài ven biển miền Trung ngày đêm vọng biển, lo cho bầy “tàu lạ” hung hăng cướp nguồn sống, lăm le đâm chìm tàu thuyền đánh cá của chồng con mình, chúng tôi bày tỏ nỗi lòng mình với Hoàng Sa đã bị “cướp trắng” và Trường Sa đang bị đe dọa từng ngày, tưởng nhớ những chiến sĩ hải quân đã hy sinh trong hai trận quyết chiến bi tráng năm 1974 và năm 1988.
Tưởng là chỉ ngồi vọng biển cho lòng đỡ bức bối, không ngờ trên bãi Tân Mỹ ấy, tôi được gặp một người lính từng trải qua những cuộc chiến sinh tử tại một hòn đảo xa - xa hơn cả Hoàng Sa, Trường Sa. Phải, nếu tính theo đường bay từ Huế, đi đảo PQ xa gấp đôi ra Hoàng Sa. PQ nay là vùng đất bình yên, là điểm đến của nhiều khách du lịch quốc tế, nhưng hơn bốn chục năm trước, một cuộc chiến đặc biệt ở đây còn ít được nhắc đến…
Câu chuyện của người cựu binh
Người cựu binh đó là anh Phan Trai, nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Điền. Nghe tin các “cụ” nhà báo tỉnh về Tân Mỹ, anh phóng honda từ Sịa về chơi với chúng tôi cho vui. Lần đầu tôi biết cuộc đời anh như là một pho tiểu thuyết. Nghe anh nhắc đến chức “Phó Chủ tịch Hội Người tù yêu nước”, mới biết anh đã bị tù ở PQ. Năm 1973, theo Hiệp định Paris, anh được trao trả cho “Mặt trận” tại Lộc Ninh, ra Bắc theo đường Hồ Chí Minh, nghỉ an dưỡng ở Quảng Bình, năm 1974, lại trở về Thừa Thiên tiếp tục chiến đấu...
Mấy năm ở tù, không biết bao nhiêu là thử thách khốc liệt. Chỉ nghe anh kể một lần tra tấn mà rùng mình: Chúng cho tù nhân chọn cách bị trùm mền nhận xuống nước sôi hay túm hai tay vào cây lồ ô đã chẻ tước ra, leo lên rồi tuột xuống. Nhìn ống lồ ô sau khi chẻ ra, chẳng khác chỉ một bó dao sắc ghép lại, thật ghê cả người, nhưng chọn cách này, may ra thoát chết. May mắn hơn cho anh là đang lúc anh bị tra tấn thì có đoàn Hồng Thập tự quốc tế đến… Anh Trai ngửa bàn tay. Vết sẹo bị mảnh lồ ô xé toạc da 40 năm trước vẫn còn đây!
Tôi đã gặp anh Trai mấy lần. Vậy mà hôm nay mới biết người cán bộ văn hóa hiền lành, với dáng người thấp đậm, khuôn mặt hiền lành vui vẻ ấy đã sống như một anh hùng. Cũng thật bất ngờ khi nghe anh Trai nói: “Đồng chí Trương Tấn Sang cũng ở tù PQ dạo đó. Đồng chí ở trong “Đảo ủy”… Năm ngoái, ra thăm lại PQ, anh em mới có dịp gặp nhau. Đồng chí Nguyễn Văn Quang, nguyên Bí thư Thành ủy Huế, cũng từng bị tù ở PQ…”.
Câu chuyện của anh Trai bên bãi biển Tân Mỹ đã giúp tôi hiểu phần nào một giai đoạn lịch sử đặc biệt của PQ. PQ là đảo lớn nhất Việt Nam và cũng là nơi có nhà tù lớn nhất Việt Nam, gần 4 vạn tù binh quê ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong nước đã bị giam ở đây. Như thế, cũng có thể coi như tôi đã được “đến” PQ. Và PQ không còn là đảo xa nữa…    
Lần theo trang sử
Quả là “cầu được, ước thấy”! Chỉ ít ngày sau khi nghe chuyện PQ trên bãi biển Tân Mỹ, tôi may mắn có tên trong danh sách đi PQ, do Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên - Huế tổ chức theo chương trình viết về “Biển đảo quê hương”. Gọi là “may mắn”, vì tôi là người cao tuổi nhất được “chấm” coi như đủ sức nhập đoàn.
Đi tàu hỏa hơn nửa ngày và suốt 1 đêm, tàu chậm hơn 1 giờ, hồi hộp lo lỡ chuyến máy bay ra đảo đã mua vé trước. Khách đi PQ khá đông, máy bay nhỏ, ngày 5-6 chuyến vẫn hết chỗ. Đến nơi, chưa kịp “định vị” chỗ ở mới, đã lo lên xe đi thực tế…    
Tác giả Trương Thanh Hùng trong một cuốn sách viết về PQ (“Văn hóa dân gian đảo PQ”, NXB Phương Đông, 2008), sau khi giải thích “PQ có nghĩa là một quốc gia, một nước giàu có”, lại viết rằng “tên gọi này khó có thể xuất hiện dưới vương triều của Gia Long vì triều đình không thể chấp nhận việc có “một nước trong nước”…”.
Việc kiểm chứng tên PQ xuất hiện lúc nào đành chờ các nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử. Biển hào phóng đã đành, mà PQ còn có cả một khu rừng nguyên sinh mênh mông với những cây cổ thụ như giữa đại ngàn Trường Sơn. Vì thế mà lịch sử mấy trăm năm qua của PQ đã ghi không biết bao lần bị bọn hải tặc và một số nước lân bang kéo vào cướp phá. Nguyễn Ánh và Tây Sơn-Nguyễn Huệ cũng đã có mấy cuộc thư hùng ở đây.
PQ cũng là căn cứ địa chống Pháp của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực cho đến lúc ông bị hành hình (ngày 27-10-1868)… Rồi trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, PQ đều có những sự kiện ở tầm quốc gia. Không chỉ đến thời chống Mỹ, Trại tù binh khổng lồ ở PQ mới được quốc tế chú ý; từ năm 1950, thực dân Pháp cấu kết với Mỹ đưa đến PQ trên 30.000 tàn quân Quốc dân đảng của Trung Hoa. Cư dân trên PQ hôm nay có người là hậu duệ của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, cũng có người là con cháu tàn quân Quốc dân đảng Tàu Tưởng, lại có không ít người từng là lính ở hai bên chiến tuyến, hết chiến tranh, ở lại làm dân PQ…
Chỉ riêng đặc điểm về dân cư, PQ đã là một vùng đất độc đáo. Thật tiếc là trong khi tiền nhân đã biết nhìn ra sự đắc địa của PQ từ lâu thì chúng ta đã chậm nhìn thấy lợi thế của biển đảo, trong đó có PQ. Nếu tôi không nhầm, thì đã có một thời gian dài, hòn đảo được nhắc nhiều nhất là Cồn Cỏ tiêu biểu cho vùng đất thép anh hùng giới tuyến và Côn Đảo - một “địa ngục trần gian” với kỳ tích “Vượt Côn Đảo” mà nhà văn Phùng Quán đã miêu tả. Chúng ta chậm chân, nên ngày 14-3-1988, mất thêm đảo Gạc Ma ở Trường Sa và 64 chiến sĩ hải quân đã phải nằm lại mãi dưới đáy đại dương. Trước ngày chúng tôi ra PQ (20-8-2012), một số báo lại lên tiếng cảnh báo “PQ đang bị băm nát!”.
Có dịp dạo ngang dọc PQ suốt  mấy ngày, quả là tôi đã thấy không ít đoạn đường ngổn ngang đất đá, cây cối, nhà dân bị phá đổ, nhiều đám đất ven bãi biển đã bị rào chắn, nhưng thật may là không phải tất cả PQ đã bị băm nát. Khu rừng nguyên sinh hầu như còn nguyên vẹn, sông suối chưa bị ô nhiễm, chùa Cao, Dinh Cậu, các cửa sông vẫn là thắng cảnh được du khách ưa thích... PQ còn là địa phương “cấp huyện” đầu tiên trong cả nước có bảo tàng tư nhân  mang tên “Cội nguồn” - một tòa nhà 5 tầng hoành tráng, trưng bày đầy đủ các giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển của PQ với khá nhiều tư liệu gốc.
Chỉ tiếc “Trại giam tù binh PQ”, nơi giam giữ tù binh đối phương lớn nhất của ngụy quyền Sài Gòn từ năm 1967-1973, khu trại khổng lồ rộng khoảng 400 héc-ta, gồm hơn 500 căn nhà lợp tôn, bịt bùng đủ lớp hàng rào thép gai đã bị phá bỏ hết sau năm 1975. Không còn giữ được nguyên gốc một phòng giam hay một dụng cụ tra tấn nào, hiện vật duy nhất còn lại là những chiếc đinh dài đóng vào chân, tay tù binh, được tìm thấy khi khai quật các ngôi mộ liệt sĩ.
Cũng thật là muộn màng, mãi đến sau năm 1993, khi tỉnh Kiên Giang công nhận đây là một Di tích lịch sử, công việc phục dựng một khu nhà giam với các mô hình “chuồng cọp thép gai” và các cực hình khác mà hàng vạn tù nhân ở PQ phải chịu đựng mới được bắt đầu. Công việc “làm mới” một trong 12 khu trại giam PQ đã hoàn thành. Lần theo từng gian trong khu nhà giam, tôi lại nhớ đến anh bạn Phan Trai. Không biết anh đã bị đày đọa nơi nào? Có điều bất ngờ là trong phòng trưng bày tranh ảnh và các mô hình dụng cụ tra tấn, tôi lại “gặp” một người quê ở Thừa Thiên-Huế: Tượng anh Trần Long (tức Trần Lời, Trần Văn Hải) ngày 20-7-1969, bị địch dùng hai tấm ván và bu-lông kẹp chặt cho đến chết! Cạnh đó là một chiến sĩ quê Nghệ An trong một cực hình khác…
NGUYỄN KHẮC PHÊ
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét