Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

NGUYỄN MAN NHIÊN- TƯ LIỆU HAY

NGUYỄN MAN NHIÊN - LƯỢC KHẢO ĐỊA DANH KHÁNH HÒA (kỳ 13)

bởi Mannhien Nguyen (Ghi Chú) viết vào ngày 26 tháng 4 2013 lúc 11:52
- CAM RANH: vịnh, thuộc địa phận TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa, là một cảng biển nước sâu ở Việt Nam và cũng là cảng biển tự nhiên tốt nhất Đông Nam Á, có vị trí chiến lược rất quan trọng.


Vịnh Cam Ranh nhìn từ trên cao - Nguồn: http://www.otosaigon.com/forum/V%E1%BB%8Bnh-Cam-Ranh


Trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, tập bản đồ đường xá Việt Nam do nho sinh trúng thức họ Đỗ Bá tự Công Đạo soạn vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, đã thấy có tên Cam Ranh môn (cửa biển Cam Ranh). Trong một bản đồ khác cũng có niên đại cuối thế kỷ XVII mang tên Giáp Ngọ niên bình Nam đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt cũng thấy chép địa danh Cam Linh môn (cửa biển Cam Ranh) và ghi chú: Cam Linh môn thâm đại (cửa biển Cam Ranh rất sâu). Đây có lẽ là những tài liệu sớm nhất của người Việt ghi chép về địa danh này.
Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn ghi chép về vịnh Cam Ranh như sau:
- Vũng Cam Ranh: Ở phía đông nam huyện Vĩnh Xương 88 dặm, chu vi 79 dặm.Trong vũng có đá rạng.
- Cửa tấn Cam Ranh: Ở phía đông huyện Vĩnh Xương 88 dặm, rộng 400 trượng, sâu 50 trượng... ngoài có đảo Tranh, chu vi dài 19 dặm, có dân cư thôn Bình Ba ở đấy. Thuở xưa có đặt 1 chức Thủ ngự và 1 chức Hiệp thủ, nay bãi bỏ.
Trong các bài vè các lái  kể lại hành trình qua các cửa biển xứ Đàng Trong của giới đi buôn hoặc chuyên chở hàng hóa bằng ghe bầu trên biển vào các thế kỷ trước cũng thấy nhắc đến địa danh Cam Ranh hoặc Cam Linh, chẳng hạn:
“Sông Ngang thủy thế mênhmông
Qua miền Nha Lỗ phỏng trong nửa ngày
Đến Nha Trang một ngày chầy
Lại trong nửa ngày đến tiểu NhaTrang
Cam Ranh cửa ấy lênh lang
Thủy ba canh suất, đi đàng năm canh…”
(Hải môn ca)
Hoặc:
“Ngó mù mù Hòn Nồm là nó
Qua bãi Tàu mới tỏ Cam Linh
Vũng Găng đá vách như thành
Vũng Găng rồi lại núi quanh như phòng…”
(Nhựt trình đàng biển nước An Nam từ kinh đô cho tới phố Vạn Ninh kể vô cho tới cửa Cần Giờ)
Hoặc:
“Ngó ra Nội Ngoại sóng xao
Vác mặt xem vào bãi Dài, con Nghê
Chụt đèn ngó xuống chỉnh ghê
Ngó về hòn Tý dựa kề Cam Linh...”
(Vè thủy trình từ Huế vào Nam đến Sài Gòn)
Về mặt ngôn ngữ, Cam Ranh (tên Nôm) chắc chắn có trước Cam Linh (tên Hán Việt). Dưới thời phong kiến, khi hệ thống làng Việt đã hình thành và tương đối ổn định, các tên Nôm làng xã đã được Hán hóa để tạo ra một lớp địa danh Hán Việt tiện lợi cho việc khai báo, ghi chép vào sổ bộ phục vụ yêu cầu quản lý của chính quyền các cấp. Trong mối tương quan giữa các địa danh thuần Việt và địa danh Hán Việt, ta thường thấy có sự chuyển đổi giữa cặp phụ âm đầu r / l, chẳng hạn: Nha Ru / Nha Lỗ (tên cổ của huyện Ninh Hòa); Phan Rang / Phan Lang… Từ đó có thể thấy tên Cam Linh là kết quả của sự ký mã Hán tên Cam Ranh theo cách:
- Cam --->Cam (một yếu tố của tên Nôm được chuyển sang Hán-Việt bằng cách dùng một ký hiệu Hán đồng âm nhưng không đồng nghĩa)
- Ranh---> Linh (một yếu tố của tên Nôm được phiên âm Hán-Việt bằng một ký hiệu Hán tương ứng).
Đến nay chúng ta vẫn chưa biết rõ nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Cam Ranh, ngoại trừ những lý giải mang tính dân gian rất võ đoán và khó kiểm chứng, như thuyết cho rằng tên Cam Linh là do chúa Nguyễn Ánh đặt với ý nghĩa là “vùng đất có hồ nước ngọt linh thiêng” - từ sự việc thủy quân Nguyễn đổ bộ lên bán đảo Cam Ranh tìm nước ngọt và phát hiện ra hồ nước trên núi Phượng Hoàng (?).
Dễ thấy nhiều điểm bất cập trong giả thuyết này:
- Cam Linh thuộc lớp địa danh Hán Việt (HV) và có sau Cam Ranh. Vì vậy cần giải thích nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Cam Ranh chứ không phải Cam Linh.
- Bản thân từ Cam Linh (HV) cũng không có nội hàm “suối” (HV: tuyền) hay “ao, hồ” (HV: trì). Mặt khác, cấu tạo Cam Linh cũng không đúng trật tự từ Hán Việt, vì để diễn tả khái niệm “hồ nước ngọt linh thiêng” thì yếu tố Linh không thể đứng sau.
Trong Bách khoa toàn thư mở tiếng Việt (Wikipedia), mục từ Cam Ranh được giải thích như sau: Cam Ranh tiếng Chăm, Ê Đê là Kăm Mran có nghĩa là bến tàu thuyền. Thuyết này tuy có chỗ khả tín vì ở Khánh Hòa có nhiều địa danh gốc Chăm và Cam Ranh cũng có thể là một địa danh gốc Chăm, nhưng vẫn không chính xác vì khi tra cứu trong sách Dictionnaire Căm-Vietnamien-Francais (Tự điển Chàm-Việt-Pháp) của Gerard Moussay do Trung tâm Văn hóa Chàm (Phan Rang) xuất bản năm 1971, chúng tôi thấy “bến tàu thuyền” trong tiếng Chăm không phải là Kăm Mran.



Trích đoạn bản đồ “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVII, trên bản đồ có ghi địa danh: “Cam Ranh môn”.


Trích đoạn bản đồ “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVII, trên bản đồ có ghi địa danh: “Cam Linh môn”.


Bản đồ tỉnh Khánh Hòa trong sách “Đại Nam nhất thống chí” (đời Duy Tân), trên bản đồ có ghi địa danh “Cam Ranh hải môn”.


Cảnh sinh hoạt của ngư dân ở các làng chài ven bờ vịnh Cam Ranh những năm đầu thế kỷ XX - Nguồn: Bưu thiếp Đông Dương



Xem thêm:

Kỳ 1: http://www.facebook.com/notes/mannhien-nguyen/nguy%E1%BB%85n-man-nhi%C3%AAn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-kh%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BB%8Ba-danh-kh%C3%A1nh-h%C3%B2a-k%E1%BB%B3-1/356282711143811

Kỳ 2: http://www.facebook.com/notes/mannhien-nguyen/nguy%E1%BB%85n-man-nhi%C3%AAn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-kh%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BB%8Ba-danh-kh%C3%A1nh-h%C3%B2a-k%E1%BB%B3-2/356326961139386

Kỳ 3: http://www.facebook.com/notes/mannhien-nguyen/nguy%E1%BB%85n-man-nhi%C3%AAn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-kh%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BB%8Ba-danh-kh%C3%A1nh-h%C3%B2a-k%E1%BB%B3-3/356622814443134

Kỳ 4: http://www.facebook.com/notes/mannhien-nguyen/nguy%E1%BB%85n-man-nhi%C3%AAn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-kh%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BB%8Ba-danh-kh%C3%A1nh-h%C3%B2a-k%E1%BB%B3-4/356865717752177

Kỳ 5: http://www.facebook.com/notes/mannhien-nguyen/nguy%E1%BB%85n-man-nhi%C3%AAn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-kh%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BB%8Ba-danh-kh%C3%A1nh-h%C3%B2a-k%E1%BB%B3-5/356925794412836

Kỳ 6: http://www.facebook.com/notes/mannhien-nguyen/nguy%E1%BB%85n-man-nhi%C3%AAn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-kh%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BB%8Ba-danh-kh%C3%A1nh-h%C3%B2a-k%E1%BB%B3-6/356977857740963

Kỳ 7: http://www.facebook.com/notes/mannhien-nguyen/nguy%E1%BB%85n-man-nhi%C3%AAn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-kh%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BB%8Ba-danh-kh%C3%A1nh-h%C3%B2a-k%E1%BB%B3-7/357685587670190

Kỳ 8: http://www.facebook.com/notes/mannhien-nguyen/nguy%E1%BB%85n-man-nhi%C3%AAn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-kh%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BB%8Ba-danh-kh%C3%A1nh-h%C3%B2a-k%E1%BB%B3-8/357774930994589

Kỳ 9: http://www.facebook.com/notes/mannhien-nguyen/nguy%E1%BB%85n-man-nhi%C3%AAn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-kh%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BB%8Ba-danh-kh%C3%A1nh-h%C3%B2a-k%E1%BB%B3-9/358050840966998

Kỳ 10: http://www.facebook.com/notes/mannhien-nguyen/nguy%E1%BB%85n-man-nhi%C3%AAn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-kh%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BB%8Ba-danh-kh%C3%A1nh-h%C3%B2a-k%E1%BB%B3-10/358458850926197

Kỳ 11: http://www.facebook.com/notes/mannhien-nguyen/nguy%E1%BB%85n-man-nhi%C3%AAn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-kh%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BB%8Ba-danh-kh%C3%A1nh-h%C3%B2a-k%E1%BB%B3-11/359831204122295

Kỳ 12: http://www.facebook.com/notes/mannhien-nguyen/nguy%E1%BB%85n-man-nhi%C3%AAn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-kh%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BB%8Ba-danh-kh%C3%A1nh-h%C3%B2a-k%E1%BB%B3-12/360483174057098


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét